Năm 1841, Hoàng đế Minh Mạng vừa băng hà, di chiếu truyền ngôi cho Hoàng trưởng tử Trường Khánh công Miên Tông. Kể từ đây cũng bắt đầu bảy năm sóng gió với nhiều cuộc tranh đoạt ngôi vị chốn hậu cung.
Di chiếu nhiều uẩn khúc, không cam tâm thất thế, tiên triều Hiền phi Ngô Ngọc Kiều quyết phải trở thành Hoàng thái phi, luôn tỏ ra đối đầu với Nhân Tuyên Thái hoàng thái hậu. Hiền phi tìm cách xin tân đế Thiệu Trị thả bà Tiệp dư Nguyễn Diệp Bửu đang bị giam Diên Hy đường, hòng lấy ân nghĩa để lôi kéo Tiệp dư đứng về phía mình.
Cung tần Đoàn viên vừa sinh được hoàng tử Hồng Thụ, do Phương Nhậm xén bớt vải may áo cho Hoàng tử nên bị Thiệu Trị quở mắng, không cho quản Thượng y. Lại thêm chuyện năm xưa, Hiền phi Ngọc Kiều can thiệp khiến Trắc cơ Phương Nhậm không được nhận chiếc cúc phượng từ tay Trường Khánh công Miên Tông nên Phương Nhậm đâm ra thù ghét Hiền phi. Thù cũ hận mới, Phương Nhậm cùng Nhân Tuyên Thái hoàng thái hậu lật đổ mưu đồ trở thành Hoàng thái phi của bà Ngọc Kiều, đồng thời gián tiếp hạ bệ Nguyên cơ Hiệu Nguyệt. Yên tiệc tối đó vừa xong, hỏa hoạn xảy ra ở vườn Thiệu Phương, Hoàng tử Hồng Thụ chết ngạt trong đám cháy khiến Đoàn Viên trở nên loạn trí. Hiệu Nguyệt đến xin minh oan cho mẹ con Hiền phi khiến Hoàng đế tức giận.
Hiền phi Ngọc Kiều một lần nữa dấy loạn triều chính nhằm mưu cầu địa vị Thái phi. Tiệp dư Diệp Bửu, nay đã theo phe bà Nhân Tuyên, tố cáo Hiền phi âm mưu làm phản. Do không có chứng cứ minh oan, Hiền phi và Phú Bình công Miên Áo, con trai bà, đều bị tống giam. Hiền phi vì thương con nên đành nhận tội. Vua xuống dụ cho bà phải lên Hiếu Lăng lo nhang khói cho tiên đế Minh Mạng, còn Miên Áo bị lưu đày. Đêm trước khi lên Hiếu Lăng, Nguyên cơ Hiệu Nguyệt đến thăm Hiền phi Ngọc Kiều, nhưng vô tình bị Hiền phi nghĩ là người khiến mình phải chịu hàm oan. Vừa khi Hiệu Nguyệt rời đi, Thái hoàng thái hậu cũng đến ban cho Hiền phi hai thỏi vàng như lời của tiên đế năm xưa.
Bà Hiền phi qua đời không lâu sau đó, tay nắm chặt 2 nén vàng mà Nhân Tuyên ban cho. Sự ra đi của mẹ con bà phi Hiền vẫn luôn là nỗi day dứt trong lòng Hiệu Nguyệt vì bà đã không kịp ra tay cứu giúp người ơn. Năm đó, vua chuẩn bị đi tuần phương Bắc, Hoàng nhị tử Hồng Nhậm xin phụ hoàng cho được đi theo. Trong hậu cung cũng bắt đầu xuất hiện những mâu thuẫn mới khi các Hoàng tử nhen nhóm ý định tranh giành quyền lực. Tĩnh Hảo trong một lần đã dẫn An Duyên, con gái của Hình bộ Thượng thư Võ Xuân Cẩn, đến gặp Hồng Nhậm, mối lương duyên của họ bắt đầu từ đó.
Hoàng đế Bắc tuần, Hoàng trưởng tử Hồng Bảo ở lại kinh, được giao gánh vác việc triều cương trong lúc Vua vắng mặt. Vốn tính ham chơi lêu lỏng, đam mê tửu sắc, Hồng Bảo lơ là triều chính khiến bá quan ca thán. Thái hoàng thái hậu muốn chọn An Duyên gả cho Hồng Bảo, nên đã đem sính lễ đến phủ của Võ Xuân Cẩn, nhưng ông đem trả lại, lấy cớ từ chối bà Nhân Tuyên. Nữ quan Thị Loan được sai dâng chè cho Hồng Bảo, nhưng Tĩnh Hảo giành lấy ăn chén chè đó, không ngờ trong chè có độc. Hiệu Nguyệt bị Phương Nhậm quả quyết là người đầu độc Hoàng tử nên bị Thái hoàng thái hậu phạt giam trong Phật đường viện Lý Thuận
Hoàng thượng bắc tuần trở về sớm hơn dự tính do nhận được tin phiến quân Chân Lạp và Xiêm La liên tục gây rối Trấn Tây thành. Ông nhanh chóng lập lại trật tự hậu cung, quyết điều tra chân tướng để giải oan cho bà vợ Hiệu Nguyệt mà ông hết mực thương yêu.
Nhân Tuyên Thái hoàng thái hậu ra lệnh vả Hiệu Nguyệt 100 cái ngay trước cung Từ Thọ, do tội can dự chính sự. Đoàn Viên bày nên một vở kịch khiến cho Hoàng đế nghi ngờ Nhị giai Trinh phi. Đoàn Viên hạ sinh một Bà Chúa, tên là Thục Trang, hứa hẹn nhiều biến cố xoay quanh nhân vật này.
Lương phi Đoàn Viên đột nhiên bị đau bụng khi đang trong cung của mình. Người trong cung lo lắng liền gọi thái y và phát hiện ra bà bị trúng độc, nghi do bị đầu độc. Điều đáng nói ở đây, sau khi Hoàng đế Thiệu Trị và Thái hoàng thái hậu yêu cầu điều tra kỹ thì phát hiện ra người đứng sau vụ đầu độc này là Lệnh phi Phương Nhậm. Cung tần này cũng vừa đầu độc Hoàng trưởng nữ là con gái của Thành phi nhưng không có bằng chứng xác thực. Ở một diễn biến khác, Phương Nhậm không phải là người đứng sau vụ đầu độc Đoàn Viên. Bà tự hỏi mình: “Tại sao ta đối xử tốt với nó như vậy, mà nó lại dám quay lưng cắn ta chứ?”. Bà đang nghi ngờ người đầu độc chính là Hoàng trưởng tử Hồng Bảo.